đều khắc họa một hình ảnh theo mong ước của nhà thơ; mỗi từ
205 • Other Poetry
khắc họa trọn một phần của bài thơ; và mỗi sự lặp lại và mỗi định vị đều cất cao giọng về những ý thơ của tác giả và dịch giả, và mỗi bài thơ có được cuộc sống riêng của nó.”
Khi những bài thơ dịch được đọc như một bài thơ sáng tác, đưa tới kết quả, những nhà thơ Việt và Mỹ đã có thể đọc thơ của nhau ở
cả hai ngôn ngữ. 6 Sự gặp gỡ lý thú, qua đề mục “Thơ Song Ngữ”
(A bilingual Edition) và “Tiếng Thơ Khác” (Other Poetry Voices), trên diễn đàn của giòng thơ này là một thí dụ. Trong lá thư mời gọi những nhà thơ Mỹ góp tiếng nói, viết,
“Hãy đến với chúng tôi, nơi chốn nhỏ bé và ấm cúng này của thơ, để nâng ly rượu mừng trong ngày họp mặt. Các bạn biết không, chỉ thơ mới có đủ khả năng giúp chúng ta nhìn thấy nhau, trong bình đẳng và chia sẻ, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, trong kiếp nhân sinh.” 7
Nhắc Lại – 10 Năm, thơ Tân Hình Thức Việt đã có được những thành quả đáng chú ý. Thật ra, không có thể thơ nào dở, chỉ có sự
thực hành chưa tới. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 14, khi Earl of Surrey chuyển thơ không vần từ thơ Ý sang thơ Anh, phải đợi đến nửa thế kỷ sau với William Shakespeare, và 1 thế kỷ sau với John Milton, thơ Không Vần mới có được vị trí xứng đáng. Chúng ta cũng cần nhắc tới những nhà thơ đã làm cho thể thơ này trở thành hiện thực, đó là 64 nhà thơ trong tuyển tập thơ song ngữ “Không Vần”, 21 nhà thơ trong tuyển tập song ngữ “Thơ Kể” (Poetry Narrates) và những nhà thơ kế tiếp sau này ... Chúng tôi tin rằng, chừng nào còn những nhà thơ có nhu cầu thay đổi và giao tiếp với thế giới bên ngoài, tìm kiếm người đọc từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, thì thể thơ Không Vần sẽ còn là phương tiện hiệu quả và cần thiết.
Thơ Khác • 206
Chú thích
1 & 2/ Tân Hình Thức, Tứ Khúc Và Những Tiểu Luận khác, Ebook, website www.thotanhinhthuc.org.
3/ Formal Poetry and Related Terms: Formalism, New Formalism, Neo-Formalism, Pseudo-Formalism, Neo-Classicism, Traditional Poetry, and the Multitudinous Variations Thereof by Michael R. Burch.
4/ ”Lời Nhà Xuất Bản”, tuyển tập “Thơ Kể”.
5 & 6/ “Lời Giới Thiệu” (Introduction) Phạm Kiều Tùng dịch, Angela Saunders, tuyển tập “Thơ Kể”.
7/ Chỉ trong vòng 2 tuần, đã có 10 nhà thơ Mỹ gửi sáng tác tới tham gia.
Đó là những nhà thơ Alden Alden, Bill Duke, Frederick Feirstein, Frederick Turner, Michael Lee Johnson, James Murphy, Rick Stansberger, Stephen John Kalinich, L. K. Thayer và Tom Riordan.
207 • Other Poetry
CÁCH ĐỌC
_______________
Nguyễn Hoàng Nam
Ba con ếch, từ một đám sậy trong đầm, nhìn qua cửa sổ thấy cái tủ lạnh đựng bia trong nhà. Một con khởi đầu bằng giọng ếch
“Bợợợt”; con kế bên tiếp theo “waaaiz”; con chót kết thúc “zơơơ.”
Cái này không phải cõi siêu thực, khi vô thức chạm trán với ý
thức, nảy ra cái merveilleux quái gì đó. Đây là quảng cáo bằng graphic của máy điện toán. Cứ đàn bà đẹp mặc bikini tay cầm chai bia hoài cũng chán, hãng Budweiser bịa ra trò mới cho vui. Mà quảng cáo là dĩ nhiên lặp đi lặp lại nhiều lần trên truyền hình, để
ngấm vào đầu chúng ta hiệu bia và cái thông điệp ngầm “Ếch mà còn thích bia Budweiser huống gì người.” Hay có thể xỏ lá hơn, nếu chúng ta nghĩ kỹ: “Người mà không thích bia Budweiser thì còn thua ếch nhái.”
Đó là chuyện quảng cáo. Mà quảng cáo thì cái gì cũng được, miễn là tăng số tiêu thụ và đừng bất hợp pháp. Còn thơ?
Trước hết, bài thơ phải thế nào? Đưa ra vấn đề có nghĩa là đã đặt giới hạn, trong khi thơ thật sự không nằm trong một giới hạn nào.
Chúng ta phải bắt đầu từ “bài thơ là cái gì và thế nào cũng được”
để đặt câu hỏi cho đúng: khi hoàn toàn tự do trong thể loại và cách diễn đạt, tác giả đã chọn lựa thế nào và chọn lựa cái gì? Và từ đó, chính người đọc chọn lựa cái gì?
Như vậy bạn đọc quen với lối đọc thơ Việt Nam lâu nay dễ gặp trở ngại.
Thơ Khác • 208
Đối với bài “TV Ký” bạn có thể cảm thấy khỏi cần đọc, khỏi cần chiêm nghiệm chữ nghĩa có gì ghê gớm không, ý tứ có gì sâu sắc, có bộc lộ một nỗi đau mơ hồ nhưng vĩ đại nào không. Phản ứng đầu tiên của bạn là liên tưởng ngay tới quảng cáo của hãng bia, mà ông Khế Iêm đã ngang nhiên chôm gần như nguyên con và tỉnh bơ
thẩy nó ngay trước mặt bạn. Tác giả rõ ràng đã lợi dụng trắng trợn sự phổ biến của quảng cáo bia Budweiser. Bạn có thể cảm thấy khó chịu vì tác giả có vẻ không biết xấu hổ là gì, có vẻ chẳng đếm xỉa tới sự trông đợi một thái độ nghiêm trọng, cao cả mà người Việt Nam thường xem như đi đôi với một con người chữ nghĩa, và hơn nữa, một chủ bút của một tạp chí văn chương. Bạn càng thấy khó chịu hơn khi thấy những dòng chữ nhỏ phía dưới dường như
chứa đựng nhiều hơn bài thơ phía trên, nhưng lại không phải là
“ghi chú” để làm rõ nghĩa một điều gì, mà là “cách dùng” như thể
bài thơ là một thứ đồ vật thường ngày, như máy hát, bàn ủi, thuốc cảm, áo mưa v.v.
Tôi đang cố gắng lựa lời để khỏi làm mích lòng bạn: Nếu bạn có những triệu chứng vừa kể thì cách đọc thơ của bạn đã lỗi thời, và ngay chính sự lỗi thời đó cũng chẳng có một nền tảng lý luận vững vàng gì.
Bạn thử suy nghĩ về những điều tôi trình bày. Thứ nhất, thơ không còn là báu vật làm trang sức cho địa vị của những quan huyện, ông đồ, và những người du học từ Pháp về (tôi chẳng rõ những người này đã học được gì; thử đặt một câu hỏi căn bản nho nhỏ: nếu chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng thơ Pháp cuối thế kỷ 19, tại sao gương sáng của Rimbaud không thấy nhắc đến, tại sao chúng ta có quá nhiều người chẳng có điều gì để nói mà không chịu ngưng viết?). Thứ hai, người làm thơ không dại gì muốn làm thượng đế.
Sự tự nhận một sứ mệnh cao cả để nhìn ra cách cứu rỗi nhân loại là việc vô ích. Nhiều kẻ có tài thiên bẩm đã thất bại, như Rimbaud đã thất bại và Breton đã thất bại (lại thêm một câu hỏi về bài học từ ảnh hưởng thơ Pháp); đối với những người có tí năng khiếu lai rai, nó là trò kiêu ngạo tự đánh lừa, mà kết quả chỉ là sự lãng phí 209 • Other Poetry
thời giờ học hỏi và rèn luyện. Thứ ba, bạn có hiểu “lãng mạn” là gì không? Nhiều nhà thơ, mà bạn hằng tôn sùng một cách dễ dàng và vô điều kiện, không thể trả lời suông sẻ câu hỏi này. Cái quan niệm thơ mà bạn đã quen thuộc có một tiến trình kỳ cục. Nó bắt đầu, trễ khoảng 50 năm, bằng ảnh hưởng của thơ Pháp cuối thế kỷ
19, thời kỳ hậu Lãng Mạn khởi đầu Tượng Trưng, và không hiểu sao ở Việt Nam ngang nhiên thành “lãng mạn.” Thật ra nó gần như chẳng có gì Lãng Mạn, rất ít hậu Lãng Mạn và rất ít Tượng Trưng, khi chúng ta so sánh nó với cái gốc của những phong trào này. Phần lớn nó là sự phóng đại những nỗi đau không có thật, những lời khen ngợi nữ sinh trung học một cách mơ hồ từ những ông trời con tự xưng là “ta” như trong truyện kiếm hiệp và phim bộ. Những thứ này lặp đi lặp lại hoài thành ý nghĩa của thói quen, và bài thơ chỉ còn là một màn tranh tài của chữ – ai cũng đã thuộc lòng cốt truyện tuồng cải lương rồi, tới chỉ để coi đào kép diễn xuất. Khoảng cuối thập niên 60, trễ khoảng 30 năm, tự nhiên nó nhảy phóc qua lấp ló ở ngưỡng cửa Siêu Thực và đứng thập thò mãi ở đó tới bây giờ. Càng kỳ cục hơn là suốt nửa thế kỷ mù mờ
vừa kể, lý luận phê bình rất nghèo nàn, gần như không có.
Cho nên những điều trên, và cái quan niệm thơ kèm theo, mới thật sự là khó hiểu. Còn thơ kiểu “TV Ký” thì dễ hiểu thôi. Bởi vì nó có truyền thống khá rõ ràng để chúng ta bắt đầu.
Trước hết là chuyện ông Tristan Tzara trộn chữ trong một cái bị
rồi nhắm mắt bốc ra xếp thành bài thơ. Chúng ta dễ chú ý vào bài thơ và lầm tưởng nó là trò đùa. Thật ra phần lớn ý nghĩa nằm trong cách tác giả làm bài thơ. Bài thơ chỉ đóng vai trò kích thích người đọc tìm hiểu nó được làm thế nào. Ông Tzara xốc chữ để nói rằng tất cả trong cuộc đời đều tùy thuộc vào may rủi, thượng đế đã chết, trò trẻ nít thú vị hơn những kinh nghiệm làm con người khô cứng ù lì v.v. Chắc bạn cũng đã từng nghe những thứ linh tinh này ở
đâu đó rồi. Nhưng điều chúng ta cần nắm bắt là cách làm cũng là một phần của bài thơ, và cách làm có thể là nơi sáng tạo nhất của tác giả.
Thơ Khác • 210
Kế đến là chuyện ông Marcel Duchamp gửi cái bồn tiểu đi triển lãm. Quan niệm nghệ thuật hiện đại được nhấn mạnh: nghệ thuật không chỉ ở bảo tàng viện, hay trên những trang “cảo thơm,” mà chúng ta nên khám phá những điều thú vị nơi những đồ vật thường ngày quanh chúng ta – cái đẹp là do mỗi chúng ta tự chọn. Sự sáng tạo không có gì ghê gớm, ai cũng làm được cả, vì nó không ngoài sự tự đi tìm niềm vui của mỗi tâm hồn, sự đi tìm ý nghĩa chủ quan trong một thế giới vốn vô nghĩa.
Như vậy dễ lên đài danh vọng quá? Không hẳn. Một mặt, ông Tzara là người đầu tiên xốc chữ, cũng như ông Duchamp là người đầu tiên gửi cái bồn tiểu đi triển lãm. Nếu tôi, chẳng hạn, cũng xốc chữ y vậy thì thật là thừa, nghĩa là tôi chẳng nói thêm được gì. Tuy nhiên, nếu tôi thích xốc thì tôi xốc cái khác. Mặt khác, bài học cho chúng ta ở đây không hẳn là chúng ta phải cố làm những thứ giật gân để nổi tiếng, mà là ở cái tinh thần để ý cuộc đời quanh mình để tập nhìn nó một cách khác đi, lạ hơn, thú vị hơn. Đó chính là cái thi sĩ ở mỗi chúng ta.
Thì đó là truyền thống căn bản (mà cái quan niệm thơ của bạn đã lờ một cách ẩu tả và nhảy phóc sang đứng thập thò hoài ở cửa Siêu Thực, như đã nói ở đoạn trên) nhưng mà như vậy thì “TV Ký”
muốn nói gì? Hay lặp lại lời của mấy ông Dada?
Bạn đừng nóng. Trước hết, thơ ông Tzara từ thời 1916, cái bồn tiểu của ông Duchamp năm 1919, bài thơ của ông Khế Iêm năm 1996, được kể như thuộc thời hậu hiện đại, dĩ nhiên phải nói nhiều điều hơn. Sự áp dụng quan niệm nghệ thuật thời hiện đại dù sao vẫn giới hạn trong cái chủ quan (và sự tự tôn) của những cường quốc: “quốc tế” thật ra chỉ là Nga, Mỹ, và Âu Châu. Trên bình diện xã hội nó càng thu hẹp hơn. Vẫn lấy Dada làm điển hình, những bước khai phá của phong trào này dù sao vẫn chỉ là phản ứng của trí thức cấp tiến Tây Phương đối với sự ù lì trong cái mã hào nhoáng của xã hội trung lưu Tây Phương lúc đó, mà đại diện văn hóa là Ấn Tượng – tức là tất cả đều chỉ là chuyện của những 211 • Other Poetry
anh đàn ông da trắng. (Thí dụ: ông Duchamp triển lãm bồn tiểu thì được hiểu, còn chẳng hạn bà TTKh.1 gửi cái cầu cá tra của chúng ta đi thì không. Những thứ được hô hào là “kinh nghiệm chung của nhân loại” thật ra là cái nhìn của đàn ông da trắng.) Bị chỉ
trích kịch liệt trong thời hậu hiện đại, sự độc tôn này đã phai dần trong những năm gần đây để nhường chỗ cho quan niệm chung là tôn trọng những tiếng nói đa văn hóa và đa phái tính –quốc tế
thật sự là quốc tế. Tiếng nói và kinh nghiệm của thế giới thứ ba, của các sắc dân thiểu số ở Tây Phương, của phụ nữ, và của thành phần đồng tính luyến ái, đã thành những truyền thống rõ nét trên văn đàn quốc tế.
Như vậy, mặc dù có thể sử dụng những thể loại và lý thuyết có truyền thống từ Tây Phương, bản sắc và tinh thần của chúng ta vẫn được thể hiện. Bởi vì chúng ta nói chuyện của chúng ta, theo kinh nghiệm của chúng ta, không phải nhắm mắt lặp lại và ca ngợi kinh nghiệm của các tên tuổi lớn Tây Phương như thế hệ trước đã làm ở Việt Nam. Chúng ta có thể hiểu “TV Ký” là sự châm biếm đời sống tinh thần tê bại, đầy lừa bịp quảng cáo của người sống ở Tây Phương, nhưng con ễnh ương lại là biểu tượng của Việt Nam. Tức là bài thơ cũng có thể là một loại “xa quê hương nhớ mẹ hiền”: xem ếch trên TV nhớ con ễnh ương dưới ao xưa. Một người chủ
trương hòa hợp hòa giải có thể nghĩ rằng “ễnh ương và bia còn đồng điệu được, huống gì là ... quốc gia và cộng sản.” Một người bảo thủ có thể chửi tác giả dám đem bản sắc dân tộc ra đùa giỡn (dù nó chỉ là ... con ễnh ương.) Hay bài thơ có thể là một cú xỏ lá thi ca Việt Nam: ai cũng nghĩ mình là cậu ông trời, nhưng thực ra toàn là ếch (ngồi đáy giếng), ễnh ương (mồm rỗng kêu to), chàng hiu (núp trong bóng tối nhảy ra hù dọa những người yếu bóng vía).
Có thể phức tạp: sự kết hợp và va chạm giữa quảng cáo và bài thơ, hình ảnh thật và hình ảnh TV và hình ảnh trên trang giấy, tiếng kêu của ếch giả trên TV và âm thanh thầm của ễnh ương trong ký ức
– những nguồn động cơ khác nhau ảnh hưởng đến sự hình thành ý nghĩa từ mọi thứ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mà chúng ta không để ý, hoặc không có thời giờ, để phân tích.
Thơ Khác • 212
Cũng có thể rất đơn giản: bợm nhậu xem bài thơ thấy thèm bia lạnh và đùi ếch chiên bơ. Và v.v. và v.v.
Tới đây chúng ta nhận thấy: bài thơ không quan trọng, tác giả còn kém quan trọng hơn, điều quan trọng nhất là người đọc và cách đọc. Sự sáng tạo của mỗi chủ quan không có nghĩa là mỗi người một cõi, mà đòi hỏi mỗi chúng ta phải nhận thấy là luôn luôn có những lối nhìn khác với chủ quan của mình. Và đó cũng là hy vọng của chúng ta trong thời hậu chiến.
Mùa Thu 1996
________________
1.Nhà thơ TTKh. làm thơ khoảng thập niên 1930-40.
213 • Other Poetry
THUỞ TRỜI ĐẤT NỔI CƠN GIÓ BỤI
________________________________
Khế Iêm
Thơ Khác • 214
Khởi từ Nietzsche: Chúa đã chết, tác giả đã chết (Roland Barthes), chữ đã chết, thực tại đã chết (Michael Benedikt). Quá nhiều cái chết nhưng chẳng thấy xác đâu. Thật ra, Chúa không chết, Chúa chỉ quá thực (hyper real) đi, theo diễn tiến lý thuyết của Jean Baudrillard về Simulacrum (vật giả) 1:
1.
Phản ảnh thực tại.
2.
Che giấu và làm sai lạc thực tại.
3.
Sự vắng mặt của thực tại
4.
Hoàn toàn cắt đứt liên hệ với thực tại.
Thực tại quá thừa thãi và trở thành quá thực (hyper-reality) trong đó hình ảnh phát sinh không liên hệ gì tới hiện thực, nhưng lại chứa đựng cả cuộc đời lẫn nghệ thuật. Từ đó đưa tới kinh nghiệm 215 • Other Poetry
ảo thực (Virtual-Reality), qua trung gian computer, đánh lừa giác quan và tạo cho chúng ta có cảm giác sống trong thế giới khác.
Cyberspace, là thứ không gian không không khí, xâm nhập vào đời sống thường ngày, như đàm thoại, gặp gỡ, mua sắm, lấy vé máy bay hay mướn phòng khách sạn qua phương tiện điện toán, và cũng có thể đưa ta bước vào thế giới ảo; dĩ nhiên với sự trợ giúp của những dụng cụ kỹ thuật cao, như mang một thứ nón (special helmet), găng tay (special gloves) hay mặc vào một bộ đồ đặc biệt (body suit). Trong thế giới này, chúng ta có ảo giác đang đi dạo trên một hè phố Paris, thăm một di tích cổ, hay tham dự vào một biến cố nào đó ... tùy theo sự chọn lựa. Thế giới đó giúp ta thoát ra khỏi những chi phối của không và thời gian. Cái chết trở nên không thật, bởi chúng ta có thể nói chuyện trực tiếp được với một người cách nhau cả thế kỷ. Còn gì thích thú bằng, ở một chỗ mà vẫn đi lang thang khắp cùng trái đất, sống với những thiên thần, lên thiên đàng và không bao giờ chết. Và khi nhìn ngược lại, cái nơi chốn trần gian, ngay cả lịch sử, con người chưa một lần hiện hữu. Như vậy thì giữa cái thật và ảo, cái nào là thật?
Một gợi ý: “Đã đành là thơ cho đến cùng tận là vô ngôn đi. Nhưng Chinh Phụ Ngâm, ngoài bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm, còn bản chữ Hán của Đặng Trần Côn...” Như vậy hẳn nhiên bài thơ
“Đọc Chinh Phụ Ngâm” có một cái gì đó chưa đầy đủ. Vả chăng nó có vẻ khó hiểu, nếu không chỉ là một trò vui mắt.
Một câu chuyện truyền kỳ mà ai cũng biết, đó là Lưu Thần, Nguyễn Triệu nhập thiên thai, khi trở về thì cảnh cũ người xưa đã không còn nữa. Nhưng nơi chốn vẫn là nơi chốn cũ, và cái cảnh cũ người xưa ấy không phải không còn mà là một thực tại vắng mặt, bị che lấp bởi cái thực tại đang có mặt. Khi không tìm thấy cái thực tại thực của chính mình, cái thực tại mới làm choáng váng, như bóng ma của nhiều thứ thực tại chập vào nhau. Cái thực tại mà hai ông đi tìm kiếm, và tưởng là đã mất; thật ra, nó không hề mất, nó chỉ quá thực (hyper real) mà thôi. Có thể không, hoặc cũng có thể nhìn ra sự thể, nên hai ông đã bỏ đi và nhập vào cái Thơ Khác • 216
thực tại vắng mặt, cái thực tại quá thực của mình. Câu chuyện kết thúc đẹp và có hậu.
Trở lại với tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, đâu có gì chắc chắn rằng bản chữ Hán của Đặng Trần Côn hay bản chữ Nôm của Đoàn Thị
Điểm chỉ có một bản. Mà có thể có nhiều bản chữ Hán hoặc chữ
Nôm được sao chép từ đời này qua đời nọ. Ngay đến bản Quốc ngữ, đã có biết bao nhiêu nhà xuất bản với nhiều người chú giải khác nhau. Không ai dám chắc, đâu mới là bản nguyên thủy, và không có sai lạc giữa bản này và bản khác. Vậy thì, cái nguyên bản ấy thực ra chính là cái thực tại vắng mặt, cái thực tại ảo. Và cái bản chúng ta đang đọc, chỉ là những bản sao không nguyên bản.
Cái ý không nguyên bản ở đây có nghĩa là, dù tìm được bản chữ
Hán hay chữ Nôm, chúng ta cũng không đọc ra, và nếu có đọc ra thì cũng không thể quyết đoán đó là bản chữ Hán hay chữ Nôm nguyên thủy. Và như thế chẳng bao giờ xác định được giá trị hay dở hay ý nghĩa đích thực của nó.
Bài thơ “Đọc Chinh Phụ Ngâm” bao gồm nhiều nguyên bản, như
cái thực tại này chứa nhiều thực tại khác. Nó làm một cú nhảy, xô cái vô lý vào vô lý, xóa trắng một phận đời. Và tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, chỉ còn trong trí tưởng, những âm vang dạt về từ quá khứ, mà bây giờ ngay cái âm vang đó cũng đã mất. (Ở đây có thể
nêu lên câu hỏi, tập Chinh Phụ Ngâm có 412 câu, tại sao còn có một đoạn; và cứ coi là những trang chữ chập vào nhau, nên có thể
rút gọn lại, thì làm sao biết được có bao nhiêu lỗi chính tả trong tập thơ này? Âm luật, ngôn ngữ, ý tứ, và vân vân đã bị hóa thân rồi chăng?) Bởi, làm gì có cái gọi là thực tại. Như vậy bài thơ đã đi ra ngoài phạm vi của tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, lạc vào huyền thoại, và trở về thời đại chúng ta đang sống. Thách đố của thơ, hẳn là tự nó làm vắng mặt nó đi. Và làm sao tránh khỏi sự ngộ nhận, đáng gì một trò mua vui.
Chống lại truyền thống, trở thành truyền thống của thời hiện đại 217 • Other Poetry
2. Chống lại không phải để phá hủy hay phủ nhận mà là những cơn đau chuyển mình (thúc đẩy bởi những tiến bộ kỹ thuật mới), soi rọi từ nhiều hướng, và nghệ thuật trở nên đa sắc thái, đầy sinh động, nối kết truyền thống.
Chẳng phải là nghệ thuật nhiếp ảnh khi ra đời đã đẩy hội họa hiện thực tới chân tường, tưởng đâu không còn lối thoát. Và Paul Cé-
zanne (1839-1906) với trường phái Ấn Tượng, đã không còn thể
hiện sự vật giống như thực nữa mà qua cách nhìn, cách nhận biết của người nghệ sĩ. Sự vật không còn bất động mà là chuyển động, qua rung cảm của người nghệ sĩ. Con người nhập vào cảnh vật (the view contains the viewer), xóa đi những phân cách với thiên nhiên. Nhưng không phải tới đây là hết, Lập Thể đẩy tới một bước nữa, coi con người cũng ngang bằng với sự vật, khóa lại những chuyển động, làm một cuộc tổng hợp giữa không gian và hình tượng, cũng trong quan điểm thể hiện hiện thực khác mà nghệ
thuật nhiếp ảnh không thể nào lấn lướt được. Mọi chuyện êm đẹp và rằng nghệ thuật mở ra một con đường thênh thang, cứ thế mà đi, phát hiện thêm những tìm kiếm mới.
Cuộc đời chẳng có gì là đơn giản, khi vào năm 1936, nhà phê bình Marxist, Walter Benjamin, qua một tiểu luận: “The Work of Art in the Age of Mechanical Reproduction” báo động rằng kỹ thuật in ấn khi in ra hàng loạt những phiên bản đã làm cho những nguyên bản không còn giá trị.
Nhưng trước đó, vào năm 1917, Marcel Duchamp đã đưa ra một khám phá: Readymade Art, tính nghệ thuật đã có sẵn trong các sự
vật nếu chúng ta tước bỏ sự tiện dụng và ý nghĩa của nó. Rồi hàng loạt những hoạt động phản nghệ thuật (anti-art) khác như Pop Art, Conceptual Art làm tê liệt sự sao chép. Một thí dụ, vào năm 1970 tại Luân Đôn, hai nghệ sĩ Gilbert và George tự trình diễn như những điêu khắc sống (Living Sculptures), nhấn mạnh vào sự
quyến rũ tự bản thân của người nghệ sĩ.
Sự chống đối đã tới lúc kết thúc, như sự đối đầu của thời chiến Thơ Khác • 218
tranh lạnh đã không còn nữa. Chủ nghĩa hiện đại đã chấm dứt cuộc chiến tranh với chính nó và trở thành hậu hiện đại 3. Ngay bây giờ
(just now) của hiện đại trở thành sau ngay bây giờ (after just now) của hậu hiện đại. Và thực tế cho thấy rằng sự sao chép (reproduction) chẳng những không làm mất giá trị của nguyên bản, mà trái lại còn làm tăng thêm giá trị của nguyên bản. Vậy thì tại sao chúng ta không cứ sống trong tình trạng tốt đẹp này. Mọi sự đã có sẵn theo quan điểm của Marcel Duchamp, chúng ta cứ việc lấy ra xài lại. Có điều là xài theo cách nào thôi.
Đi xa thêm, chúng ta vẫn thường nhắc tới trong những sinh hoạt chính trị hay xã hội, ngụ ngôn về con dê tế thần (scapegoat) 4.
Những đô thị thời cổ Hy Lạp nuôi và thuần hóa, với những phí tổn của cộng đồng, loài thú rừng này. Rồi khi có những tai họa như dịch bệnh, đói kém, lựa ra một con xấu xí nhất, cho ăn sung và lúa mạch, đánh bằng roi tỏi tây, cành sung, tẩm hành vào bìu dái, đau đớn cho đến chết. Sau đó hỏa thiêu, ném tro ra biển và bốn hướng gió. Như vậy là đô thị đã được thanh tẩy. Nhưng nếu con dê tế thần tượng trưng cho cái gì xấu xa, độc hại, thì nó cũng là phương thuốc trừ tà, hóa giải những tai ương. Và nếu nó bị đẩy ra ngoài thành phố thì trước đó nó đã ở trong thành phố. Logocentrism, chủ nghĩa trung tâm, là lý luận mà Jacques Derrida đưa ra để đánh đổ những phân định giữa cái trung tâm (central) và cái ngoại vi (marginal) mà từ Socrates, Plato, Jean-Jacques Rousseau tới Ferdinand de Saussure, Claude Lévi-Strauss, đều ưu tiên cho văn nói (spoken word) hơn là văn viết (written word). Từ đó ông phá vỡ nhiều quan điểm trung tâm khác, làm trung hòa, đưa vào hệ tư tưởng, nguyên tắc dân chủ. Nhưng ông không dừng lại ở đây, mà đi tới giải thích cho rằng cuộc đời giống như một bản văn, chỉ
là một trò chơi khác biệt giữa sự vắng mặt và có mặt.
Vào năm 1966, Jacques Derrida đến Đại học Hopkins University tại tiểu bang Maryland, Hoa kỳ, đưa ra chủ nghĩa hậu cấu trúc, làm một cú sốc nẩy lửa về triết học. Và từ đây đẩy toàn bộ nền triết học phương Tây tới bờ vực của hoài nghi, phá vỡ những biên giới 219 • Other Poetry
phân định giữa triết học và văn học, trong và ngoài, Đông và Tây, và nhiều thứ khác nữa, như một thứ thiền học mới. Chủ nghĩa hậu cấu trúc được coi như là tiền hậu hiện đại 5.
Khi mọi biên cương bị phá bỏ, và những cái mà chúng ta gọi là thơ nhại (parody), tái sản xuất (reproduction), đa thực tại (hyper-reality) thì cũng là cách đi tìm lại những nguyên bản, mặc dù cái nguyên bản ấy chỉ còn là những ý niệm mơ hồ. Chắc chắn, đây không phải là sự chế diễu hay phủ nhận truyền thống, mà thật ra, là sắp xếp lại, như xóc một cỗ bài, tìm tới